Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Viettel, VNPT kêu khó sản xuất thiết bị hỗ trợ IPv6

Tin Công Nghệ - Cả 2 doanh nghiệp lớn CNTT-viễn thông lớn nhất Việt Nam là Tập đoàn Viễn thông Quân đội Việt Nam (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đều cho biết đang gặp trở ngại trong việc sản xuất thiết bị hỗ trợ IPv6.

>> Người dùng Android được "xài" miễn phí ứng dụng IPv6 của Netnam


Chi phí sản xuất "đội" thêm 20%

Tại hội thảo “Triển khai IPv6 tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung, doanh nghiệp sản xuất thiết bị và phần mềm” do Bộ TT&TT tổ chức ngày 9/10/2013, ông Trần Văn Thành - đại diện Tập đoàn Viettel cho biết hoạt động sản xuất thiết bị phần cứng có hỗ trợ IPv6 của Viettel đang gặp nhiều khó khăn. Viettel đã chế tạo thành công 2 thiết bị là bộ định tuyến Router Wifi (kết nối Internet qua môi trường Internet băng rộng), EOC client (kết nối truy cập Internet qua hạ tầng truyền hình cáp), đã cho chạy thử nghiệm thời gian dài trong nội bộ Viettel và được đánh giá có tính ổn định cao, chất lượng tốt. Tuy nhiên, khi Viện Nghiên cứu Viettel đề xuất lên Tập đoàn kế hoạch sản xuất hàng loạt 50.000 thiết bị thì gặp vướng mắc là chi phí cho thiết bị đầu cuối này quá cao.

Lãnh đạo Tập đoàn yêu cầu các loại thiết bị mới này bắt buộc phải đưa giao thức IPv6 vào, đồng nghĩa về phần cứng, các thiết bị đầu cuối phải có chipset hỗ trợ tốc độ tới 400Mhz và phải đảm bảo yêu cầu cao hơn về RAM, ROM; đồng thời cũng phát sinh thêm chi phí phát triển phần mềm để chạy IPv6. Tổng cộng cả 2 loại chi phí cần đầu tư thêm về phần cứng và phần mềm đang khiến giá thiết bị "đội" thêm 20%.

Chính sách ưu đãi chỉ tồn tại trên giấy

Ở góc nhìn của cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Tuấn - đại diện Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm liên quan tới IPv6 đang được hưởng khá nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ.

Chẳng hạn về chính sách đầu tư, theo Nghị định 108 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư và Quyết định số 49/2010/TTg về danh mục sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư  phát triển (thiết bị và mạng IPv6 thuộc danh mục này) thì các hoạt động sản xuất, nhập khẩu sản phẩm có IPv6 đều được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của Luật Công nghệ cao.

Về chính sách thuế, theo luật sửa đổi Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp mới ban hành năm 2013, doanh nghiệp sản xuất phần mềm, trong đó có hoạt động nghiên cứu phát triển IPv6 được miễn thuế 4 năm, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo, hưởng mức thuế suất 10% trong 15 năm. Đây là mức ưu đãi cao nhất về thuế đối với doanh nghiệp.

Và theo Nghị định số 87/2010 hướng dẫn Luật Thuế Xuất nhập khẩu thì miễn thuế nhập khẩu linh kiện trong nước chưa sản xuất được trong vòng 5 năm kể từ ngày sản xuất; miễn thuế nhập khẩu phần mềm, thiết bị sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ IPv6.

Thông tư số 06/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn Luật Thuế Giá trị gia tăng cũng quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, thiết bị nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ IPv6.

Về chính sách hỗ trợ tín dụng, Luật Công nghệ cao quy định xem xét hỗ trợ 1 phần hoặc toàn bộ chi phí từ nguồn kinh phí Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đối với trường hợp đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ IPv6.

"Các chính sách ưu đãi đối với hoạt động sản xuất thiết bị, phần mềm, nội dung có liên quan tới mạng IPv6 đều đã có. Nếu doanh nghiệp chịu khó nghiên cứu sẽ được hưởng ưu đãi rất cao từ các chính sách hiện hành", đại diện Vụ CNTT nhấn mạnh.

Thế nhưng thực tế, theo phản ánh của ông Trần Văn Thành, các linh kiện mà Viettel nhập khẩu để thử nghiệm hoặc nghiên cứu, sản xuất thiết bị hỗ trợ IPv6 đều đang bị đánh thuế. Đây cũng là một nguyên nhân đẩy chi phí sản xuất thiết bị hỗ trợ IPv6 lên cao.

"Bộ TT&TT cần sớm có chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện điện tử phục vụ việc nghiên cứu, phát triển IPv6, đồng thời cần có những quy định ưu đãi rõ ràng hơn, chẳng hạn nếu có chính sách miễn thuế nhập khẩu cho điện thoại hỗ trợ IPv6 thì phải nói rõ việc tất cả linh kiện của chiếc điện thoại này có được miễn thuế hay không", ông Thành đề xuất.

Không chỉ Viettel kêu không được hưởng chính sách ưu đãi khi sản xuất thiết bị hỗ trợ IPv6, mà VNPT cũng cùng chung cảnh ngộ. Ông Trần Hữu Quyền, Phó Chủ tịch VNPT Technology cho biết hiện đã nghiên cứu phát triển 4 dòng sản phẩm sẵn sàng hỗ trợ IPv6 gồm Modem ADSL (hỗ trợ truy cập wifi), thiết bị truy nhập Internet không dây băng rộng Access Point Wifi, thiết bị kết cuối mạng cáp quang ONT, bộ giải mã Set top box.

"Dù đã có nhiều văn bản pháp luật nói về việc hỗ trợ thuế nhưng thực tế khi nhập khẩu linh kiện về cho thử nghiệm sản xuất, VNPT vẫn phải mất rất nhiều công sức để xin được ưu đãi. Mong Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Tài chính sớm ra văn bản pháp quy quy định rõ để doanh nghiệp đỡ phải "lần mò" trong các văn bản pháp quy chung", ông Quyền chia sẻ.

host

Tags:

0 Responses to “Viettel, VNPT kêu khó sản xuất thiết bị hỗ trợ IPv6”

Đăng nhận xét

Subscribe

Donec sed odio dui. Duis mollis, est non commodo luctus, nisi erat porttitor ligula, eget lacinia odio. Duis mollis

Designed by dichvuseosem.net |